(CTT-Đồng Nai) – Nằm trong chương trình tiếp tục bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ban TVTU nhiệm kỳ 2025-2030 do Ban TVTU tổ chức, ngày 30-5, các học viên của lớp học đã được nghe đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao đổi chuyên đề “Định hướng tầm nhìn cho Đồng Nai phát triển bền vững”. Cùng dự học tập chuyên đề này có cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cấp xã.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi chuyên đề “Định hướng tầm nhìn cho Đồng Nai phát triển bền vững”
Lớp học được thực hiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ điểm cầu chính là Hội trường Tỉnh ủy đến 14 điểm cầu của các cấp cấp ủy trực thuộc tỉnh.
Tại điểu cầu Hội trường Tỉnh ủy có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo, tham dự.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, Đồng Nai đang đứng trước 3 cơ hội và 4 thách thức.
Cơ hội: nằm trong tứ giác phát triển kinh tế (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu); là trung tâm kết nối các vùng kinh tế, vùng nguyên liệu, nhân lực (Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long); giao thông kết nối thuận lợi, đa dạng (đường sắt Bắc- Nam, quốc lộ 1, quốc lộ 20, quốc lộ 51, quốc lộ 56, cao tốc Bến Lức- Long Thành, Biên Hòa- Vũng Tàu, đường vành đai 3 và 4, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu- Thị Vải…); cửa ngõ giao thương quốc tế (Cảng hàng không Quốc tế Long Thành).
Thách thức: tụt hậu về kinh tế so với các tỉnh lân cận (thể hiện ở chỉ số tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách); chậm phát triển hạ tầng xã hội; tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều phức tạp; khả năng hành động của đội ngũ cán bộ.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, là người cán bộ lãnh đạo phải nhận diện được cơ hội- thách thức của địa phương để có hành động đem lại những giá trị ngày càng tốt nhất và phát triển bền vững cho địa phương mình.
Địa phương phát triển bền vững là phát huy cao nhất lợi thế, tiềm năng của địa phương để thúc đẩy sự phát triển; không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội; không để hệ lụy cho tương lai và được xã hội đồng thuận.
Trong đó, đối với phát triển kinh tế, tỉnh cần chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Đặc biệt, cần thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, chọn lọc thu hút đầu tư theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, thân thiện môi trường, không thâm dụng lao động, nâng cao chất lượng GRDP.
Các trụ cột kinh tế của địa phương là: công nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, logistic, dịch vụ, du lịch, thương mại, cảng hàng hải, hàng không, xây dựng.
Chiến lược phát triển kinh tế của địa phương là: hạ tầng giao thông (kết nối vùng, nội tỉnh); hạ tầng đô thị; năng lượng; nghiên cứu khoa học- công nghệ, sáng tạo; nước ngọt (phục vụ dân sinh, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch); cạnh tranh PCI, PAPI, môi trường thu hút nhà đầu tư; chuyển đổi số; phân vùng phát triển, tránh xung đột về lợi ích.
Nguồn lực cho phát triển: ngân sách, nguồn lực xã hội- xã hội hóa, nguồn lực đất đai.
Trong quá trình phát triển bền vững của tỉnh, phải bảo vệ môi trường; chăm lo mục tiêu phát triển con người- chứng minh đây là vùng đất mà người dân sống hạnh phúc nhất và xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Ngoài những vấn đề đã đề cập ở trên, Bí thư Tỉnh ủy còn nhắn nhủ tới các học viên của lớp cán bộ nguồn quy hoạch nhiệm kỳ 2025-2030: chuẩn bị nhận nhiệm vụ lãnh đạo trong tương lai. Người lãnh đạo, người đứng đầu một đơn vị, địa phương được ví như thuyền trưởng, dẫn dắt đúng hướng, đúng mục tiêu, tạo ra giá trị cho tập thể, đơn vị.