Nguồn đất đắp phục vụ thi công Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1), đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn đang là “bài toán” khó giải trong quá trình triển khai dự án.
|
Việc sớm có giải pháp xử lý nguồn đất đắp sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Ảnh tư liệu |
Nếu không được xử lý sớm, việc thiếu đất đắp có thể ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công dự án này.
Nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tiến độ
Theo tính toán, nhu cầu đất đắp phục vụ thi công Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh vào khoảng 5 triệu m3. Để có nguồn đất đắp phục vụ thi công, tỉnh đã quy hoạch các mỏ vật liệu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà các mỏ này không thể khai thác để cung cấp đất đắp cho dự án.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho hay, để có nguồn cung đất đắp phục vụ thi công đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, các chủ đầu tư và nhà thầu thi công trực tiếp đề xuất 3 vị trí và bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu, khai thác mỏ theo cơ chế đặc thù nhằm phục vụ thi công đường giao thông.
Các vị trí đề xuất bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ thi công dự án có nguồn gốc đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Những vị trí này không phải là điểm mỏ, không có trong quy hoạch khoáng sản, không phù hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.
Chính vì vậy, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo xử lý khó khăn, vướng mắc đối với thủ tục đất đai để thực hiện khai thác vật liệu cung cấp thi công các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Trong đó UBND tỉnh đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để sớm thực hiện khai thác đất tại các vị trí này để phục vụ thi công đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Cũng nằm trong nhóm các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn đất đắp, UBND tỉnh đã kiến nghị các cơ quan Trung ương chấp thuận đề xuất và hướng dẫn việc sử dụng nguồn đất đắp tại khu vực nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành để thi công Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Mặc dù vậy, đến nay các giải pháp tháo gỡ nguồn đất đắp thi công Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu vẫn chưa có kết quả cụ thể. Điều này dẫn đến nguy cơ dự án bị chậm tiến độ do thiếu nguồn vật liệu san lấp.
Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Ngọc Hưng, các mỏ khoáng sản ở Đồng Nai cơ bản đảm bảo đủ nguồn vật liệu phục vụ các công trình giao thông và xây dựng hạ tầng. Thế nhưng, do vướng mắc về hồ sơ thủ tục liên quan nên nguồn cung đất cho dự án bị hạn chế. Tỉnh nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy trình, quy hoạch nhưng vẫn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Liên quan đến vấn đề xe vận chuyển đất phục vụ thi công Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Dương Mạnh Hưng đề nghị Ban Quản lý dự án 85 quán triệt đơn vị vận tải phải chấp hành tải trọng, an toàn giao thông, nếu vi phạm sẽ có chế tài để tránh tình trạng làm đường cao tốc xong thì đường địa phương hư hết.
Lo áp lực giao thông
Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, chủ đầu tư dự án thành phần 1, Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cho biết khó khăn lớn nhất trong thi công dự án hiện nay là mặt bằng, đất và cát đắp. Vì các vướng mắc chưa được tháo gỡ nên các gói thầu xây lắp tại dự án đều thi công cầm chừng. Thiếu đất, cát đắp ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án.
“Chúng tôi mong sớm được gỡ vướng về các thủ tục cho những mỏ thương mại trên địa bàn để khai thác cung cấp vật liệu đất đắp cho dự án. Xem xét, quyết định cho phép khai thác vật liệu san lấp từ khu vực nhà ga T3 Sân bay Long Thành để đắp đường cao tốc” – ông Ân chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc điều hành dự án thuộc Ban Quản lý dự án 85, chủ đầu tư dự án thành phần 2, cũng mong muốn các cơ quan chức năng sớm tháo gỡ khó khăn về nguồn đất đắp để dự án đảm bảo tiến độ thi công. Ông Hà cũng lưu ý các cơ quan chức năng của tỉnh về đảm bảo an toàn giao thông khi nguồn đất đắp cho dự án được khơi thông, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Vì Chính phủ, Quốc hội đã đưa ra mốc thời gian hoàn thành dự án vào cuối năm 2025 để đưa vào khai thác trong năm 2026, Ban Quản lý dự án 85 hiện đã xây dựng lại đường gantt tiến độ.
Với kế hoạch tiến độ mới, thời gian thực hiện dự án còn lại rất ngắn. Trong đó, với hạng mục đắp nền đường còn khoảng 6 tháng mùa khô để triển khai thi công. Với riêng dự án thành phần 2, còn khoảng 3 triệu m3 đất đắp cần thi công. Với thời gian khoảng 6 tháng, mỗi ngày các nhà thầu sẽ phải thi công khoảng 27 ngàn m3 đất đắp. Để vận chuyển khối lượng đất nói trên, mỗi ngày sẽ có khoảng 2,3 ngàn lượt xe chở đất lưu thông.
“Tại Dự án Thành phần 1, theo tính toán, với khối lượng và thời gian còn lại thì cũng phải có khoảng 2 ngàn lượt xe vận chuyển đất mỗi ngày. Như vậy, mỗi ngày trong khu vực sẽ có hơn 4 ngàn lượt xe vận chuyển đất lưu thông, gây ra áp lực giao thông rất lớn lên quốc lộ 51, các tuyến đường tỉnh, đường huyện” – ông Nguyễn Ngọc Hà phân tích.
Phạm Tùng – BÁO ĐỒNG NAI