Để đô thị Đồng Nai phát triển xứng tầm

Nằm ở vị trí trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, lại có quá trình phát triển công nghiệp sớm nhất ở nước ta, tỉnh Đồng Nai với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị. Thế nhưng, những năm gần đây đô thị Đồng Nai lại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà.
Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà.

Hiện, tỉnh Đồng Nai đang thực hiện nhiều giải pháp để đột phá phát triển đô thị trong bối cảnh sân bay quốc tế Long Thành và hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia đang được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động trong những năm tới. Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai.

Phát triển đô thị chưa tương xứng

* Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết, một số kết quả nổi bật của phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian qua?

Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà: Trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được tập trung chỉ đạo thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Bộ mặt các đô thị dần được chỉnh trang, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, tạo ra một diện mạo mới.

Nhiều chương trình phát triển các đô thị của tỉnh đã được phê duyệt. Thành phố Biên Hòa đã được công nhận là đô thị loại I năm 2015, đô thị Long Khánh nâng cấp từ thị xã lên thành phố năm 2019 và là đô thị loại III, đô thị Long Thành, Trảng Bom được công nhận là đô thị loại IV, thành lập thêm thị trấn Long Giao và nâng cấp nhiều xã của Biên Hòa và Long Khánh lên phường. Tỷ lệ đô thị hóa đến nay đạt hơn 45%, cao hơn trung bình cả nước. Các đô thị phát triển phát triển góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển và chuyển biến tích cực, thu nhập bình quân đầu người tăng dần.

Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được chú trọng, hệ thống hạ tầng đô thị được đầu tư tương đối cơ bản định hình. Một số dự án quan trọng quốc gia như Sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến đường trọng yếu kết nối với sân bay như đường Vành đai 3, Vành đai 4, các tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác hoặc đang triển khai thực hiện là điều kiện thuận lợi lớn để tỉnh Đồng Nai kết nối với các tỉnh khác trong vùng, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn.

Một góc trung tâm đô thị Biên Hòa.
Đồng Nai chú trọng đầu tư vào việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ tại các khu vực đô thị hiện hữu để thu hút, kêu gọi đầu tư hình thành và phát triển không gian đô thị xứng tầm.

Tỉnh Đồng Nai đã chú trọng đầu tư vào việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ như: bệnh viện, trường học, công viên, trung tâm thương mại và các cơ sở vui chơi giải trí,… Bổ sung các không gian tiện ích công cộng như: công viên, bãi đậu xe, từng bước chỉnh trang đô thị,… tại các khu vực đô thị hiện hữu, tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch các đô thị có ý nghĩa quan trọng, các khu đô thị mới có lợi thế,… làm cơ sở thu hút, kêu gọi đầu tư hình thành và phát triển không gian đô thị xứng tầm.

Thị trường bất động sản trên địa bàn Đồng Nai đã phát triển mạnh mẽ. Sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng các dự án nhà ở và căn hộ chung cư đã tạo ra nhiều cơ hội cho người dân sở hữu và nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như góp phần thay đổi không gian, kiến trúc, cảnh quan của đô thị. Nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng đã xem Đồng Nai là nơi đầy tiềm năng để nghiên cứu phát triển các dự án như: Novaland, Sungroup, Ecopark,…

Về phát triển khu công nghiệp, Đồng Nai được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng và phát triển khu công nghiệp với quỹ đất khu công nghiệp lớn, hiện nay có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, dự đến năm 2030 sẽ có 48 khu công nghiệp thành lập mới và mở rộng, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển đô thị của tỉnh.

* Phóng viên: Tại một số hội nghị quan trọng gần đây, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc phát triển đô thị trên địa bàn chưa xứng tầm so với tiềm năng, lợi thế. Với vai trò là cơ quan tham mưu, tổ chức thực hiện chuyên ngành, đồng chí có ý kiến gì về nhận định trên?

​Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà: Đến lúc này, Đồng Nai mới chỉ có 2 thành phố là Biên Hòa và Long Khánh, còn lại là các đô thị nhỏ. Trong khi đó, tỉnh Bình Dương đã phát triển mạnh trong vòng 5 năm qua với 5 thành phố. Tỉnh Bình Phước với số dân chỉ xấp xỉ 1/2 dân số Đồng Nai đang theo sát nút với 1 thành phố và 2 thị xã, đang trong quá trình nâng hạng. Bà Rịa-Vũng Tàu có 2 thành phố, 1 thị xã và quá trình xây dựng, nâng cấp đô thị vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.

Liệt kê số lượng thành phố, thị xã của các địa phương trong vùng để thấy rằng, cùng với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu hình thành và phát triển các đô thị xứng tầm là cấp thiết. Chỉ khi phát triển đủ, xây dựng và hoàn thành được các bộ tiêu chí thì các đô thị mới được công nhận là thành phố, thị xã theo quy định. Từ đó, dễ dàng hơn trong việc thu hút các nguồn lực, thiết kế các chính sách để phát triển.

Đô thị Long Khánh hôm nay.
Thành phố Long Khánh với định hướng phát triển theo hướng đô thị xanh.

Hiện nay, tốc độ đô thị hóa của tỉnh Đồng Nai nhanh nhưng nhiều tiêu chí chưa đạt. Thí dụ như Biên Hòa đã là đô thị loại I nhưng nhiều vấn đề tồn tại hạn chế của đô thị đang diễn ra như: xây dựng chưa tuân thủ quy hoạch, kênh rạch sông suối bị lấn chiếm, vỉa hè bị chiếm dụng, quảng cáo rao vặt, rác thải, ngập nước, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, thiếu bãi đậu xe, cây xanh và diện tích tiện ích phục vụ sinh hoạt cộng đồng hạn chế, đường dây điện, cáp viễn thông còn thiếu an toàn, gây mất mỹ quan đô thị.

Ngoài việc phải bảo đảm các tiêu chí về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội và kiến trúc cảnh quan nêu trên thì điều kiện tiên quyết là quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu và chương trình phát triển đô thị.

Do đó, Sở Xây dựng cùng các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ phủ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu. Đối với các đô thị ở vùng nông thôn thì phủ quy hoạch chung thị trấn, quy hoạch chi tiết để đủ điều kiện thu hút nhà đầu tư triển khai các dự án để được công nhận và nâng cấp đô thị, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân là vấn đề cấp thiết đặt ra.

Khắc phục hạn chế, tạo đột phá phát triển đô thị

* Phóng viên: Những hạn chế trong phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay là gì? Đâu là những nguyên nhân nhân chính?

Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà: Hiện tại, Đồng Nai có tổng số 11 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV, còn lại là 7 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa hiện nay là 45,16 %.

Quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo nhiều hệ lụy tập trung ở nhóm cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị. Điều kiện pháp lý là điều kiện cần để thực hiện việc nâng cấp công nhận đô thị chưa thể bảo đảm. Thực tế hầu hết các đô thị chưa đạt các tiêu chí về phân loại đô thị.

Về nguyên nhân được xác định là công tác chuẩn bị các điều kiện pháp lý như: quy hoạch đô thị còn hạn chế, chưa đồng bộ các cấp độ quy hoạch, thời gian quy hoạch kéo dài,… Nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ. Lực lượng thực hiện công tác quy hoạch và đô thị còn thiếu, nhân sự mỏng, đội ngũ chuyên môn như: kiến trúc sư quy hoạch, kỹ sư đô thị không nhiều.

Một số dự án đầu tư không bảo đảm đúng tiến độ bỏ lỡ cơ hội phát triển, thu hút kêu gọi đầu tư của địa phương.

* Phóng viên: Vậy, giải pháp cho việc phát triển đô thị thời gian tới như thế nào, trong bối cảnh Đồng Nai đang đứng trước những vận hội rất lớn từ việc được Trung ương đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia về hạ tầng giao thông?

Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà: Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần làm ngay, đó là đẩy nhanh tiến độ lập và trình duyệt đồ án quy hoạch, hồ sơ dự án trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ lập và trình duyệt đồ án quy hoạch chung các đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng gồm: Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom.

Tổ chức thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch chung đô thị Long Thành, Trung tâm hành chính-chính trị mới của tỉnh tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Tổ chức không gian dọc theo tuyến sông Đồng Nai. Công tác lập quy hoạch cần khắc phục cho việc chuẩn bị quỹ đất tái định cư, các công trình công cộng. Lưu ý đến quy hoạch không gian ngầm theo xu thế của các nước phát triển, tái thiết, giãn dân các khu vực có mức độ đô thị nén.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đang được tỉnh Đồng Nai nỗ lực chuyển đổi công năng thành khu thương mại, dịch vụ, trung tâm hành chính.

Chú trọng và tập trung công tác chỉnh trang đô thị đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa tại Chỉ thị 23/CT-UBND ngày 29-12-2023, đến 2025 mỗi địa phương, mỗi đô thị phải có sản phẩm cụ thể và đạt 6 mục tiêu, gồm: Tạo lập cảnh quan đô thị văn minh-xanh-sạch-đẹp; hình thành các tuyến đường xanh đẹp với hạ tầng đồng bộ bảo đảm lưu thông thông thoáng, tiêu thoát nước, giảm tình trạng kẹt xe, ngập úng, tai nạn giao thông; cây xanh công viên, bãi đậu xe, khu vực sinh hoạt tiện ích phục vụ cộng đồng được tăng lên và phân bố hợp lý; tổ chức quản lý việc buôn bán hàng rong, buôn bán tạm; làm sống lại mạng lưới nguồn nước nội đô giữ vai trò mạch máu xanh của đô thị.

Các đô thị điển hình chỉnh trang đô thị tại Đồng Nai đạt “5 không, 5 có”, đó là: Đô thị có biểu trưng, có không gian xanh, có bãi đậu xe, có nhà vệ sinh công cộng, có đường phố thoáng đẹp; đô thị không dây nhợ, không rác bừa bãi, không người ăn xin, sống lang thang, không hàng rong buôn bán nhếch nhác, không đào xới đường xá lộn xộn.

Hoàn thành chuyển đổi số hóa dữ liệu quy hoạch, hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số. Tập trung khẩn trương hoàn thành Dự án Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh và Dự án xây dựng hệ thống công bố quy hoạch đô thị tỉnh Đồng Nai trên nền GIS.

Nỗ lực hiện thực hóa đô thị sân bay

* Phóng viên: Riêng đối với khu vực Sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã và đang có hành động gì để phát triển đô thị, thành phố sân bay, góp phần tạo sự bứt tốc về kinh tế-xã hội của Đồng Nai và khu vực kinh tế trọng điểm phía nam?

Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà: So với các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Đồng Nai đang hội tụ nhiều lợi thế phát triển mà không phải địa phương nào cũng có được như các hệ thống hạ tầng giao thông cấp quốc gia đi qua, nhiều khu công nghiệp, dư địa quỹ đất lớn, hệ thống cảng biển nước sâu và đặc biệt là Sân bay quốc tế Long Thành.

Do đó, đòi hỏi phải có những hành động kịp thời để phát triển đô thị, thành phố sân bay bứt tốc và xứng tầm. Việc này, cần thực hiện ngay từ công tác đầu tiên, đó là quy hoạch đô thị. Một đồ án quy hoạch đô thị sân bay tốt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội rất lớn, làm cơ sở để thu hút kêu gọi đầu tư, tạo ra việc làm và quản lý không gian đô thị theo định hướng quy hoạch.

Một góc thị trấn Long Thành, huyện Long Thành hiện nay.
Một góc thị trấn Long Thành, huyện Long Thành hiện nay.

Chính vì vậy, vừa qua Sở Xây dựng đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch chung đô thị sân bay Long Thành và vùng phụ cận. Việc thi tuyển quốc tế rộng rãi một đồ án quy hoạch đô thị thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng của chính quyền và nhân dân Đồng Nai đối với đô thị sân bay này.

Quá trình tổ chức thi tuyển quốc tế, chắc chắc chính quyền Đồng Nai, các cơ quan chuyên môn, địa phương như: Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân huyện Long Thành, các doanh nghiệp, nhà đầu tư,… sẽ tiếp cận được những ý tưởng mới, đa chiều, các mô hình quy hoạch đô thị tiên tiến về đô thị sân bay, bài học kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới để áp dụng phù hợp vào bối cảnh đô thị Đồng Nai.

* Phóng viên: Quá trình triển khai quy hoạch đô thị sân bay và vùng phụ cận có gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì, thưa đồng chí?

Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà: Một thách thức đặt ra hiện nay, đó là quy mô khu vực đề xuất ý tưởng quy hoạch tương đối lớn, diện tích phạm vi nghiên cứu khoảng 57.000ha, bao gồm đô thị sân bay Long Thành (toàn bộ địa giới hành chính huyện Long Thành, tổng diện tích tự nhiên khoảng 43.000ha và vùng phụ cận mở rộng khoảng 14.000ha, gồm một phần địa giới hành chính của các Thống Nhất, Cẩm Mỹ).

Từ đó, đòi hỏi phải đánh giá kỹ hiện trạng, bối cảnh đô thị, đưa ra được những ý tưởng quy hoạch có tầm nhìn tổng thể và khả năng ứng dụng thực tiễn cao, phân tích và đề xuất định hướng, xây dựng tầm nhìn trung hạn, dài hạn. Các ý tưởng quy hoạch phải đột phát, hiệu quả nhưng cũng phải phù hợp với tình hình thực tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Với phạm vi nghiên cứu rộng, quy hoạch đô thị sân bay Long Thành ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và môi trường sống của người dân trong khu vực. Để bảo đảm sự thành công, cần có quá trình tương tác và tham gia của cộng đồng, mục tiêu cuối cùng là có được một sản phẩm quy hoạch đáp ứng mong muốn của chính quyền đô thị, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, kêu gọi đầu tư, quản lý không gian đô thị nhưng song song đó phải hài hòa với lợi ích của người dân, người dân có môi trường sống tốt hơn, được tái định cư tại chỗ, có cơ hội để phát triển kinh tế, được hưởng lợi từ chính đồ án quy hoạch này.

Những ý tưởng hay đột phá, nội dung quan trọng sẽ được tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, lựa chọn để đưa vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045 đang thực hiện.

* Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc phỏng vấn này.

Theo nhandan.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *